SỨC KHỎE TOÀN THÂN VÀ TÌNH TRẠNG RĂNG MIỆNG
Sức khỏe răng miệng là một phần quan trọng của sức khỏe toàn thân và là điều cốt yếu để có một sức khỏe toàn diện. Việc phát hiện sớm những bệnh răng miệng có thể là một gợi ý quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh toàn thân khác của cơ thể.
Bệnh tim mạch và tình trạng răng miệng
Bệnh tim mạch bao gồm nhiều bệnh lý từ cao huyết áp đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực suy tim và đột quỵ. Sinh bệnh học của tất cả những bệnh lý này đều liên quan bệnh xơ vữa mạch máu.
Mối liên quan giữa bệnh nha chu và xơ vữa mạch máu đã được nghiên cứu đầu tiên do Mattila và cs , 1989 và từ đó đã có nhiểu nghiên cứu cho thấy tình trạng tim mạch có xu hướng xấu hơn ở bệnh nhân bị viêm nha chu và ngươc lại. Năm 2013, Hội Tim mạch Hoa kỳ tuyên bố có mối liên quan giữa bệnh xơ vữa mạch máu và viêm nha chu.
Cơ chế giải thích cho mối liên quan giữa bệnh lý tim mạch và tình trạng răng miệng:
- Vi khuẩn gây bệnh nha chu có thể xâm nhập vào máu, phá hủy hệ thống thành mạch
- Bệnh nha chu làm tăng gánh nặng phản ứng viêm của cơ thể, do đó có thể góp phần gây ra các vấn đề trong hệ thống tim mạch.
Bệnh lí hô hấp và tình trạng răng miệng
Viêm phổi do nhiễm khuẩn là một nguyên nhân gây bệnh và tử vong đáng kể ở người cao tuổi, suy giảm miễn dịch, nằm viện lâu và thở máy. Nhiễm khuẩn phổi do sự hít vào vi khuẩn chứa trong hạt khí dung hay nhiễm khuẩn lan từ vị trí lân cận như khoang miệng.
Bệnh nhân bị viêm nha chu có nguy cơ bị viêm phổi bệnh viện cao gấp ba lần bệnh nhân không viêm nha chu. Vi khuẩn gây viêm phổi có khả năng tích tụ tong mảng bám răng và vi khuẩn gây bệnh nha chu hiện diện trong hệ hô hấp.
Đái tháo đường và tình trạng răng miệng
Mối liên quan hai chiều giữa viêm nha chu và Đái tháo đường (ĐTĐ), đã được xác định từ hơn 50 năm nay: ĐTĐ được công nhận là yếu tố nguy cơ của viêm nha chu, ngược lại viêm nha chu được xem là biến chứng thứ sáu của ĐTĐ.
Đái tháo đường làm tăng tỉ lệ, mức độ trầm trọng, mức độ tiến triển của bệnh nha chu. Điều trị bệnh nha chu có thể cải thiện tình trạng đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Ngoài ra, ở các bệnh nhân ĐTĐ còn có tình trạng khô miệng, đưa đến dễn nhiễm nấm Candida. Tình trạng quá sản tuyến nước bọt, viêm tuyến nước bọt tái phát nhiều lần, không đáp ứng với điều trị.
Thai kì và tình trạng răng miệng
Phụ nữ mang thai có sự thay đổi về nội tiết, không phải là bệnh lý do sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone, đưa đến rất nhiều thay đổi toàn thân của người mẹ.
Tình trạng viêm nướu thai kì thay đổi theo nội tiết tố, thường xảy vào tháng thứ hai của thai kì và nặng nhất vào 3 tháng giữa của thai kì – khi đỉnh nội tiết tố lên cao nhất. Người ta vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân của hiện tượng này. Viêm nướu thai kì biểu hiện viêm đỏ rõ nhất ở nướu viền, sau đó những gai nướu sưng phồng thường ở mặt ngoài và có thể lan vào mặt trong. Khi gai nướu lớn lên, nổi gồ và có cuống, gọi là Epulis hay u hạt thai nghén.
Nếu trước đó bệnh nhân có tình trạng nha chu, kết hợp với các chấn thương khi chải răng, khó vệ sinh răng miệng do dễ nôn ói, dẫn đến vệ sinh răng miệng kém, làm cho tình trạng viêm nướu thai nghén hay bệnh nha chu trước đó trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng tốt hơn và sau khi sinh, tình trạng này sẽ trở về bình thường.
Đột quỵ và tình trạng răng miệng
Đột quỵ hay Tai biến mạch máu não là từ chung chỉ tình trạng mất đột ngột và trầm trọng chức năng thần kinh trung ương thứ phát sau tổn thương mạch máu não
Đột quỵ tiến triển hay giai đoạn sau đột quỵ thường biểu hiện nói lắp, liệt một bên cơ mặt và chi trên, mất cảm giác mô miệng. Lưỡi bị lệch sang bên khi đưa lưỡi ra trước và mất cảm giác vùng miệng (cảm giác sờ và nếm). Ảnh hưởng khẩu cái gây giảm phản xạ nôn và khó nuốt. Tiền triệu: miệng méo, tay yếu, nói đớ là những dấu hiệu khẩn để gọi cấp cứu, trong giai đoạn này có thể nhanh chóng cấp cứu cho bệnh nhân.