Rung nhĩ – Một yếu tố nguy cơ đột quỵ não không được xem nhẹ
Tại khoa Nội, BV ĐKGĐ, chúng tôi vừa cho xuất viện một NB là cụ ông tên Nguyễn Tấn M., 90 tuổi với chẩn đoán: suy hô hấp cấp – Viêm phổi nặng do nhiễm trùng đa kháng – suy tim – rung nhĩ – động kinh – nhồi máu não cấp lần hai – suy thận cấp đã hồi phục – loét tì đè cùng cụt độ IV – THA – ĐTĐ – BTTMCB. NB nhập viện BV Đa khoa Gia Định trước đó gần 2 tháng vì thường xuyên khó thở, sốt và có vết loét rất rộng tại vùng cùng cụt.
Người nhà NB cho hay trong vòng hơn 2 tháng trước khi vào viện BV ĐKGĐ, NB đã nhập viện và điều trị tại vài BV với lý do đầu tiên là đột quỵ yếu liệt nửa người. Sau khi nằm viện được vài tuần thì NB thường xuyên bị sốt, khó thở, khò khè, vướng đàm nhiều, ăn uống chủ yếu qua ống sond. Tình trạng tiếp tục diễn tiến phức tạp hơn khi NB ngày càng phù hơn, bắt đầu xuất hiện vết loét lớn tại vùng cùng cụt và nhiều vết loét nhỏ tại các nơi đè ép khác trên cơ thể. Đỉnh điểm là sau khi NB bị đột quỵ được 1 tháng thì NB tiếp tục mắc thêm đợt đột quỵ cấp tái phát lần 2 làm NB liệt tứ chi. NNNB được khuyên nên đưa NB về nhà chăm sóc vì NB ít có cơ hội qua khỏi.
Nhưng NNNB vẫn mong muốn là còn nước thì còn tát, nên NB được đưa đến BV ĐKGĐ. Tại khoa Nội, BV ĐKGĐ, ngay từ đầu chúng tôi đã nhận ra ngay là tình trạng của NB đang rất nặng, có nguy cơ tử vong cao. NB được điều trị tích cực nhanh chóng, được chăm sóc toàn diện với tất cả các vấn đề NB có. Trải qua gần 2 tháng điều trị tại khoa Nội, tình trạng của NB diễn tiến rất phức tạp, có lúc suy hô hô hấp nặng, suy tim nặng rơi vào ngừng tim, được hồi sức tích cực NB lại qua cơn, nhưng NB sau đó phải thở máy, mở khí quản ra da, mắc suy thận cấp thiểu niệu…
Nhưng đôi lúc cơ thể có sức chịu đựng vô bờ bến, với sự điều chỉnh và thực hiện kế hoạch điều trị bài bản của đội ngũ bác sĩ và với sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ điều dưỡng tại khoa Nội, NB đã vượt qua được các đợt nguy kịch trên để trở về trạng thái tương đối ổn định như: NB đã cai được máy thở, không còn phù, chức năng thận phục hồi về bình thường, tình trạng suy tim đã cải thiện nhiều, hết sốt, đường thở đã giảm đàm về bình thường, vết loét cùng cụt đã lên mô hạt và đã thu nhỏ kích thước.
Với tình trạng trên, NNNB được tư vấn và hướng dẫn cách thức chăm sóc và thực hiện chế độ điều trị tiếp theo cho NB tại nhà. NNNB rất phấn khởi và đã tiếp thu những gì cần làm cho NB tại nhà. NB đã được cho ra viện trong sự vui vẻ của toàn bộ nhân viên khoa và NNNB.
Với tình trạng của NB như được nêu ra, BS CKII Phan Thanh Toàn, Trưởng khoa Nội, cho biết: vấn đề rung nhĩ của NB có thể đã có từ trước nhập viện, nhưng đến khi gây hậu quả (gây đột quỵ cấp) dẫn đến NB phải nhập viện thì mới được phát hiện. Và chính vì mắc đột quỵ nặng, nên NB đã mắc thêm các vấn đề nghiêm trọng khác trong quá trình nằm viện. Qua đây, BS Toàn khuyến cáo người bệnh mắc các bệnh nền về tim mạch, nội tiết…và cụ thể là rung nhĩ nên được tái khám định kỳ đều đặn để được bác sĩ kiểm soát tốt và giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ dẫn đến biến chứng, và từ đó sẽ cải thiện tiên lượng của bệnh và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Ngày 23 tháng 03 năm 2024
Người viết
BS Phan Thanh Toàn