Cận thị là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục cận thị
Khi được hỏi “Cận thị là gì?” – chắc hẳn đa số mọi người ai cũng có thể trả lời được. Tuy nhiên, mấy ai biết được chi tiết về cận thị, nguyên nhân và các cách khắc phục cận thị. Hãy cùng BVĐK Gia Định tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Cận thị là gì?
Cận thị là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục cận thị bạn cần biết
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất ở mắt. Người bị cận thị sẽ khó nhìn rõ các vật ở xa, nhưng có thể thấy rõ vật gần. Cận thị là một vấn đề phổ biến ở nhiều quốc gia và đang có dấu hiệu trẻ hóa rõ rệt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cảnh báo sẽ có 80-90% trẻ em châu Á, trong đó có Việt Nam có thể bị cận thị vào năm 2050. Đây là con số đáng báo động, đã đến lúc chúng ta hãy cùng nhau hành động, ngăn chặn sự gia tăng của thực trạng cận thị hiện nay bằng những hành động nhỏ nhất.
Tìm hiểu thêm: 80-90% trẻ em Việt Nam sẽ bị cận thị
2. Phân loại cận thị
Sau khi tìm hiểu định nghĩa về cận thị là gì, vậy bạn có biết hiện nay có bao nhiêu loại cận thị? Thật ra, cận thị cũng chia ra nhiều loại khác nhau dựa theo nguyên nhân và các mức độ nghiêm trọng của tình trạng cận thị này.
Các loại cận thị và cách phân loại cận thị là gì?
2.1 Cận thị đơn thuần
Đây là loại cận thị phổ biến nhất hiện nay. Đây là tình trạng khi ánh sáng tập trung trước võng mạc thay vì trên võng mạc, khiến người bệnh chỉ nhìn rõ vật ở gần mà không nhìn rõ vật ở xa. Cận thị đơn thuần không có liên quan đến bất kỳ bệnh lý mắt nghiêm trọng nào khác.
2.2 Cận thị thứ phát
Cận thị thứ phát là loại cận thị phát sinh từ một nguyên nhân bên ngoài, có thể là một bệnh lý mắt hoặc một tình trạng sức khỏe khác gây ảnh hưởng đến mắt. Các loại bệnh lý có thể dẫn đến cận thị thứ phát như đục thủy tinh thể, viêm nội nhãn, viêm mống mắt, bệnh võng mạc… Một số bệnh khác như tiểu đường, tăng huyết áp cũng có thể gây ra cận thị thứ phát.
2.3 Cận thị giả
Cận thị giả là tình trạng tạm thời khiến người bệnh cảm thấy như mình bị cận thị, nhưng thực tế không phải vậy. Đây là tình trạng mắt bị căng thẳng quá mức do các yếu tố bên ngoài như làm việc quá lâu với máy tính, đọc sách trong điều kiện ánh sáng kém hoặc mệt mỏi. Người bị cận thị giả nên chú ý nghỉ ngơi và thư giãn mắt, bên cạnh đó nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt
2.4 Cận thị thoái hóa
Cận thị thoái hóa là một dạng cận thị nặng (thường trên 6 độ) và có thể gây ra những thay đổi nghiêm trọng trong cấu trúc của mắt, đặc biệt là võng mạc và các mô xung quanh mắt. Đây là một dạng cận thị tiến triển lâu dài và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm mù lòa. Cận thị thoái hóa có thể do di truyền hoặc do sự thay đổi bất thường trong cấu trúc mắt khiến mắt tiếp tục dài ra theo thời gian. Người bệnh cần phải theo dõi thường xuyên để có thể sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
3. Một số dạng cận thị khác
Cận loạn thị và cận thị học đường là 2 dạng cận thị ngày càng phổ biến
3.1 Cận loạn thị
Cận loạn thị là tình trạng mắt bị ảnh hưởng bởi hai vấn đề chính: cận thị và loạn thị. Cận thị là khi người mắc phải không thể nhìn rõ các vật ở xa, còn loạn thị là khi ánh sáng không hội tụ chính xác trên võng mạc, gây ra hình ảnh mờ hoặc biến dạng.
Điều này làm cho người mắc phải gặp khó khăn khi nhìn cả gần lẫn xa, và cần phải sử dụng kính thuốc đặc biệt để điều chỉnh cả hai tật này. Thông thường, cận loạn thị có thể được chẩn đoán qua kiểm tra thị lực và cần điều chỉnh bằng kính đeo hoặc phẫu thuật tùy vào mức độ nghiêm trọng.
3.2 Cận thị học đường
Cận thị học đường là tình trạng mắt bị mờ khi nhìn xa, thường gặp ở lứa tuổi học sinh và thanh thiếu niên. Do mắt phải làm việc quá mức để nhìn vào sách hoặc màn hình máy tính trong thời gian dài. Đây là một dạng tật khúc xạ phổ biến, thường xuất phát từ việc không giữ đúng tư thế khi đọc hoặc học, thiếu ánh sáng tốt khi học, hoặc do yếu tố di truyền.
Cận thị học đường có thể được ngăn ngừa hoặc kiểm soát bằng cách duy trì thói quen học tập và sinh hoạt khoa học, như đảm bảo khoảng cách thích hợp giữa mắt và vật đọc, nghỉ ngơi sau mỗi khoảng thời gian học tập dài, và kiểm tra mắt định kỳ.
4. Nguyên nhân cận thị
Cận thị tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay và đang ngày càng tăng thêm. Vậy nguyên nhân gây ra cận thị là gì?
Nguyên nhân gây ra cận thị là gì?
4.1 Nguyên nhân trực tiếp
Nguyên nhân trực tiếp gây ra cận thị thường liên quan đến sự thay đổi cấu trúc của mắt, cụ thể là:
- Nhãn cầu quá dài: Một trong những nguyên nhân phổ biến là sự tăng trưởng bất thường của nhãn cầu, khiến cho mắt quá dài so với bình thường. Điều này làm cho ánh sáng hội tụ trước võng mạc thay vì chiếu vào nó, dẫn đến hình ảnh của vật thể ở xa bị mờ.
- Giác mạc cong quá mạnh: Giác mạc là phần trong suốt bao phủ trước mắt, và nếu nó quá cong, ánh sáng sẽ hội tụ trước võng mạc, cũng gây ra hiện tượng nhìn mờ khi nhìn xa.
- Thấu kính mắt quá cong: Thấu kính mắt có vai trò điều chỉnh độ hội tụ của ánh sáng vào võng mạc. Nếu thấu kính quá cong, ánh sáng sẽ hội tụ trước võng mạc, dẫn đến cận thị.
4.2 Các yếu tố nguy cơ gây cận thị
Bên cạnh nguyên nhân chính trên, còn có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ cận thị:
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị cận thị, đặc biệt là bố mẹ, nguy cơ con cái cũng bị cận thị sẽ cao hơn. Cận thị có xu hướng di truyền theo kiểu gen.
- Độ tuổi và sự phát triển của mắt: Mắt của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, vì vậy việc sử dụng mắt quá mức trong giai đoạn này (đọc sách, học bài, chơi điện tử…) có thể dẫn đến cận thị. Thời kỳ phát triển của mắt từ 6 đến 14 tuổi là quan trọng trong việc hình thành các tật khúc xạ.
- Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều: Việc sử dụng máy tính, điện thoại di động, hoặc xem tivi quá lâu có thể làm tăng nguy cơ cận thị, vì mắt phải điều tiết nhiều khi nhìn gần, từ đó gây áp lực lên cơ mắt.
- Đọc sách hoặc làm việc ở khoảng cách quá gần: Đọc sách, viết hoặc làm việc trên máy tính với khoảng cách gần và trong thời gian dài cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến mắt.
- Môi trường ánh sáng kém: Làm việc trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc thiếu sáng có thể gây căng thẳng cho mắt và làm tăng nguy cơ cận thị.
- Thiếu vitamin và khoáng chất: Chế độ ăn thiếu vitamin A, C, D và các khoáng chất như kẽm, sắt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, trong đó có cận thị.
- Bệnh lý về mắt hoặc các vấn đề khúc xạ: Một số bệnh lý mắt như đục thủy tinh thể hay loạn thị có thể làm tăng nguy cơ mắc cận thị hoặc làm tình trạng cận thị trở nên nặng hơn.
Xem thêm: Các dấu hiệu cận thị ở cả người lớn và trẻ em
5. Cách khắc phục cận thị
Hiện nay có nhiều cách để khắc phục hoặc làm giảm mức độ cận thị, bao gồm các phương pháp y tế, thói quen sinh hoạt hợp lý và công nghệ điều trị tiên tiến.
Cách khắc phục cận thị là gì?
- Khám mắt định kỳ: Bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra mắt định kỳ. Qua đây, các bác sĩ có thể phát hiện sớm các vấn đề về mắt, từ đó có thể đưa ra phương pháp điều trị kịp thời các triệu chứng nguy hiểm. Đặc biệt, có thể tham gia đăng ký khám cận chuyên sâu để tập trung vào các phương pháp điều trị cận thị phù hợp
- Đeo kính gọng hoặc kính áp tròng: Kính cận là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất để điều chỉnh tật cận thị. Kính sẽ giúp cải thiện tầm nhìn của người bị cận thị bằng cách điều chỉnh ánh sáng vào đúng vị trí trên võng mạc.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc nhỏ mắt có thể giúp giảm căng thẳng cho mắt và hỗ trợ trong việc điều trị các triệu chứng như mỏi mắt, khô mắt. Tuy nhiên, đặc biệt chú ý không được tự ý dùng thuốc, phải tuân thủ theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Sử dụng thiết bị điện tử quá lâu có thể khiến mắt phải làm việc liên tục, làm tăng nguy cơ cận thị. Do đó, việc giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, đặc biệt là trong bóng tối, sẽ giúp bảo vệ mắt. Ngoài ra, nên để mắt nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, thường xuyên tập thể dục cho mắt,…
- Phẫu thuật cận thị: Đây là phương pháp điều trị cho những người cận thị nặng. Áp dụng kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao, phẫu thuật xóa cận ngày càng an toàn và chất lượng tốt, một số phương pháp mổ mắt như Lasik, Femto Pro, Smile Pro, Phakic,… Bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám trực tiếp với bác sĩ trước khi tiến hành lựa chọn phương pháp mổ mắt nhé. Tham khảo thêm chương trình khám cận chuyên sâu và xác định các phương pháp chữa cận thị phù hợp với mắt của bạn
Xem thêm: Địa chỉ xóa cận an toàn, chất lượng tại TP.HCM
Vì một đôi mắt khỏe, hãy đến thăm khám mắt định kỳ tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Gia Định với các chuyên gia hàng đầu nhãn khoa ngay nào.
- Hotline: (028)3512 4688
- Đặt hẹn online: https://bvdkgiadinh.com/
- Địa chỉ: 425 – 427 – 429 Nơ Trang Long, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.